Chúng ta đã đi gần hết quyển sách, đã lướt qua những tư tưởng chính của quyển sách. Một trong những điều quan trọng nhất đó là chúng ta phải tận dụng mọi thông tin để hỗ trợ ra quyết định. Người ra quyết định phải chủ động tìm kiếm thông tin, thảo luận, lấy ý kiến từ nhiều người, nhóm người. Ở phần này, tác giả giới thiệu khái niệm về các chuẩn mực Mertonian, một tập hợp các nguyên tắc thúc đẩy tranh luận và hợp tác lành mạnh trong các nhóm. Các chuẩn mực này bao gồm:
Tính cộng đồng (Communalism): Ý tưởng rằng kiến thức và ý tưởng nên được chia sẻ cởi mở trong một nhóm. Kiến thức và ý tưởng nên được coi là tài sản chung của cộng đồng, được chia sẻ một cách cởi mở và tự do trong nhóm. Điều này khuyến khích sự hợp tác, trao đổi thông tin minh bạch và xây dựng dựa trên ý tưởng của nhau để đạt được hiểu biết sâu sắc hơn.
Tính phổ quát (Universalism): Tất cả các ý tưởng và đóng góp nên được đánh giá dựa trên giá trị và bằng chứng hỗ trợ, không phụ thuộc vào địa vị, danh tiếng hay quyền lực của người đưa ra ý tưởng. Điều này đảm bảo rằng mọi ý tưởng đều có cơ hội được lắng nghe và đánh giá công bằng, khuyến khích sự đa dạng và sáng tạo.
- Ví dụ: Trong một cuộc họp thảo luận về chiến lược kinh doanh, một nhân viên mới vào công ty đưa ra một ý tưởng táo bạo. Thay vì bác bỏ ý tưởng đó chỉ vì người đó còn ít kinh nghiệm, nhóm quyết định đánh giá ý tưởng dựa trên tiềm năng và tính khả thi của nó, tạo cơ hội cho những quan điểm mới và sáng tạo được xem xét một cách nghiêm túc.
Tính vô tư (Disinterestedness): Đây là chuẩn mực nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi sự thật và khách quan, không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân, thành kiến hay áp lực từ bên ngoài. Điều này đảm bảo tính toàn vẹn của quá trình ra quyết định và khuyến khích các thành viên trong nhóm đặt mục tiêu chung lên hàng đầu.
- Ví dụ: Một nhóm bác sĩ đang xem xét một phương pháp điều trị mới. Mặc dù một số thành viên trong nhóm có thể có mối quan hệ tài chính với công ty dược phẩm sản xuất phương pháp điều trị đó, họ cam kết đánh giá phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng khoa học và lợi ích của bệnh nhân, không phải vì lợi ích cá nhân của họ.
Tính hoài nghi có tổ chức (Organized skepticism): Thực hành đặt câu hỏi và kiểm tra các ý tưởng một cách có hệ thống trước khi chấp nhận chúng. Điều này khuyến khích tư duy phản biện, giúp nhóm tránh những sai lầm và đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng vững chắc. Viết đến đây, mình chợt nhớ ra một chi tiết trong phim World War Z, người Israel khi toàn thể mọi dân tộc trên thế giới đều chủ quan không phòng bị thì họ đã có tư tưởng hoài nghi và phòng bị bằng cách xây dựng bức tường chống zombie. Dĩ nhiên, đây chỉ là tình tiết trên phim, nhưng rất nhiều tình huống trong đời thực cũng tương tự như vậy.